Tin tức
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG BẮT ĐẦU ĐƯỢC QUAN TÂM VỀ HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Theo quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Miền Tây) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL là phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế…
Theo đó, phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của miền Tây có tổng chiều dài khoảng 1.166km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh/thành trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.
Cụ thể, các trục dọc gồm: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TpHCM - Cần Thơ - Cà Mau) dài khoảng 245km, quy mô 4 - 6 làn xe, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài khoảng 180km, quy mô 6 làn xe, tuyến cao tốc TpHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài khoảng 150km, quy mô 4 làn xe.
Cao tốc ven biển miền tây qua Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km
Các trục ngang gồm: tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191km, quy mô 6 làn xe, tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212km, quy mô 4 làn xe, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài khoảng 188km, quy mô 4 làn xe.
Đối với hệ thống quốc lộ, tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên một số tuyến QL kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc, bao gồm: QL N1, QL 1, QL 50, QL 60, QL 61C, QL 62, QL 30, QL 80, QL 91, QL 63, đường Nam Sông Hậu… với tổng chiều dài dự kiến khoảng 1.815km, duy trì khai thác ổn định các tuyến QL thứ yếu với tổng chiều dài khoảng 2.351km…
Đối với tuyến đường bộ ven biển, do địa phương đầu tư đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến tuyến đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài khoảng 788km.
Về hàng hải, hệ thống cảng biển đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu hàng hóa từ 64 - 80 triệu tấn (hàng container từ 0,6 - 0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1 - 6,2 triệu lượt; đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5 - 6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân 1,1 - 1,25%.
Cảng biển loại 1 bao gồm các cảng Cần Thơ, Trà Vinh, Long An. Cảng biển loại 2 gồm Đồng Tháp, Hậu Giang. Cảng biển loại 3 gồm Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Khu bến Trần Đề (Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thàng cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL. Bến cảng Hòn Khoai (đảo Hòn Khoai) định hướng thành bến cảng tổng hợp tiềm năng phát triển có điều kiện phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư.
Về đường thủy nội địa, phát triển 13 cụm cảng hàng hóa đảm bảo tổng công suất hàng hóa ước đạt trên 53 triệu tấn/năm; 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực ước đạt 31 triệu lượt hành khách/năm…
Về hàng không, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đóng vai trò phục vụ khách du lịch quốc tế và trong nước. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là trung tâm đầu mối phát triển logistics hàng không của vùng, cảng hàng không Rạch Giá và Cà Mau ngoài vai trò cảng hàng không nội địa, còn đóng vai trò là trung tâm đào tạo, huấn luyện bay.
Quy mô đến năm 2030, sân bay Cần Thơ đạt cấp 4E, công suất đạt 7 triệu lượt hành khách/năm; sân bay Phú Quốc cấp 4E, công suất 10 triệu lượt hành khách/năm; sân bay Rạch Giá cấp 4C, công suất 0,5 triệu lượt hành khách/năm; sân bay Cà Mau cấp 4C, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm.
Đối với đường sắt, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 1 tuyến đường sắt TpHCM - Cần Thơ dài khoảng 174km, khổ đường 1.435mm…
Vùng đồng bằng sông Cửu Long
Rất mừng cho bà con miền Tây đã được quan tâm hơn, một cái nơi đang là vùng trũng về hạ tầng giao thông của cả nước. Quy hoạch đã được phê duyệt và một số công trình đã hoàn thành như cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miểu, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…Chúng ta hòan toàn hy vọng vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1 bộ mặt hoàn toàn mới, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại. Theo đó là tất cả các hoạt động của đời sống xã hội sẽ phát triển theo như sản xuất, du lịch, bất động sản… Mà nơi đó có ưu thế rất lớn là nguồn nhân lực tại chỗ và lành tính phục vụ cho nhu cầu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày một giàu đẹp hơn.